Đồng chí BS.CKII Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
phát biểu khai mạc tại hội nghị.
Đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn có đồng chí Bác sĩ Chuyên khoa II. Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và các cán bộ lãnh đạo, thư ký chương trình, cán bộ phòng tiêm, tư vấn vắc xin phụ trách chương trình phòng chống bệnh Dại tại huyện, thành phố; cán bộ của Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm; cán bộ phòng tiêm và tư vấn vắc xin của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật. Phát biểu khai mạc tại Hội nghị đồng chí Bác sĩ Chuyên khoa II. Đoàn Lương Anh nhấn mạnh: “ Trong những năm gần đây, bệnh dại vẫn tiếp tục là một thách thức lớn đối với ngành y tế, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi, nơi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế và điều kiện tiếp cận y tế còn khó khăn. Hội nghị này cũng là dịp để chia sẻ kiến thức, cập nhật những phương pháp mới củng cố năng lực tuyến cơ sở, nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng chống bệnh Dại trong thời gian tới. Mong rằng, sau buổi tập huấn mỗi cán bộ y tế sẽ trở thành một hạt nhân tích cực trong công cuộc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng khỏi căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh này”
BSCKI. Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát
Bệnh tật giảng viên lớp tập huấn trao đổi cùng học viên
Tại lớp tập huấn tổ giảng viên của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã trao đổi về tình hình dịch tễ bệnh Dại trong nước và trên địa bàn tỉnh; các kỹ năng tư vấn chỉ định và tiêm vắc xin Dại, kỹ năng tư vấn tuyên truyền về xử trí vết thương ban đầu, kỹ thuật bảo quản và vận chuyển vắc xin, theo dõi sau tiêm, kỹ thuật thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu của người nghi mắc bệnh Dại, bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu và chất lượng của mẫu. Lớp cũng được trao đổi về kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh Dại, phân tích tình hình dịch tễ, xác định vùng, nhóm người có nguy cơ lây truyền bệnh Dại, tiêm phòng vắc xin Dại cho người có nguy cơ cao, xử trí vết cắn, điều trị dự phòng cho người bị chó, mèo cắn, xử lý ổ dịch. Phối hợp liên ngành Thú Y trong việc giám sát, lấy mẫu bệnh Dại trên động vật dựa vào người bị cắn đi tiêm phòng; kỹ năng truyền thông nguy cơ, cách hạn chế bị động vật cắn, truyền thông cộng đồng trước, trong và sau ổ dịch bệnh Dại. Lớp tập huấn cũng là dịp để các cán bộ y tế trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác phòng chống bệnh Dại tại địa phương.