Rối loạn hành vi

14/03/2024 - 09:47
2
Cỡ chữ:

Rối loạn hành vi là một nhóm các vấn đề về hành vi và cảm xúc bắt đầu từ thời niên thiếu hoặc vị thành niên. Bệnh gây ra những ảnh hưởng tới sức khoẻ chung cũng như học tập và sinh hoạt của bệnh nhân.

Ảnh minh họa.

1. Bệnh rối loạn hành vi là gì?

Rối loạn hành vi là một nhóm các vấn đề về hành vi và cảm xúc thường bắt đầu từ thời niên thiếu hoặc vị thành niên. Trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các rối loạn này thường gặp khó khăn khi phải tuân theo các nguyên tắc hành xử thông thường được xã hội chấp nhận.    

2. Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng nhận biết của bệnh rối loạn hành vi.

Người bị rối loạn hành vi thường rất khó khăn để kiểm soát và không sẵn sàng để tuân theo các nguyên tắc. Thường hành động một cách bột phát mà không cần biết đến hậu quả của hành động đó. Người bệnh sẽ không cần suy nghĩ về cảm xúc của người khác. Có thể nhận diện bệnh rối loạn hành vi thông qua một số triệu chứng như sau:

• Cư xử hung hãn với những người xung quanh, hoặc với những con vật, đồ dùng.

• Làm những hành động có hại cho bản thân như uống rượu, hút thuốc.

• Không tuân thủ các quy định, quy tắc xã hội, thường xuyên có những hành vi tiêu cực quá mức cho phép.

• Hay nói dối, ăn cắp, trốn học, đánh nhau, ...

• Có một vài hành vi gây hại cho những người xung quanh.

• Khó thích ứng với xã hội.

Lưu ý rằng: Các triệu chứng của bệnh sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian và người bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến cho người khác. Chính vì vậy, khi phát hiện trẻ bị rối loạn hành vi, cha mẹ nên đưa con đi khám và điều trị kịp thời.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn hành vi.

Bệnh rối loạn hành vi thường do rất nhiều nguyên nhân gây ra, hiếm khi nào chỉ do một nguyên nhân. Vấn đề chủ yếu của rối loạn này là thiếu việc học các chuẩn mực xã hội. Một số yếu tố có thể gây ra bệnh rối loạn hành vi là:

• Các yếu tố do gen, do di truyền

• Tổn thương não hoặc do các chấn thương

• Các yếu tố về môi trường như bị lam dụng từ khi còn nhỏ, gia đình không êm ấm, nghèo đói

Các yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh rối loạn hành vi

 Một số những yếu tố nguy cơ có thể góp phần khiến cho trẻ bị rối loạn hành vi:

• Giới tính nam

• Sống ở thành phố

• Sống trong hoàn cảnh nghèo khó

• Có tiền sử gia đình bị rối loạn hành vi

• Có tiền sử gia đình gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần

• Bị các rối loạn tâm lý khác

• Có cha mẹ nghiện rượu, thuốc cấm

• Có môi trường gia đình không êm ấm

• Đã từng bị bỏ rơi hoặc lạm dụng

• Đã từng trải qua các sự kiện gây chấn động mạnh

Chú ý rằng: Nếu một đứa trẻ có trên 6 yếu tố nguy cơ thì đứa trẻ đó có nguy cơ cao mắc bệnh rối loạn hành vi. Chính vì vậy gia đình có thể đưa trẻ đi khám để chẩn đoán bệnh ngay khi có thể.

4. Tác hại và biến chứng của bệnh rối loạn hành vi

Bệnh rối loạn hành vi trước hết sẽ gây ảnh hưởng đến chính sức khỏe và tương lai của người bệnh. Sau đó, những hành vi của người bệnh có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới những người xung quanh.

- Bệnh nhân làm những hành động có hại cho bản thân và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

- Bệnh nhân có những hành vi phá phách, hung hãn gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và những người xung quanh.

- Bệnh nhân khó thích ứng với xã hội nên dễ bị cô độc.

- Bệnh nhân thường gây gổ, chống đối xã hội nên dễ vướng phải những vấn đề liên quan đến pháp luật.

Lời khuyên của bác sĩ

Nhiều gia đình cho rằng con mình hiếu động hoặc nghịch ngợm mà đã bỏ qua việc đưa trẻ đi khám. Đó là một quan niệm sai lầm, khi thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh rối loạn hành vi, gia đình cần đưa trẻ đi khám ngay để có phương án điều trị bệnh kịp thời.

5. Các cách điều trị bệnh rối loạn hành vi.

Ảnh minh họa.

5.1. Chẩn đoán.

Trẻ phải có ít nhất 3 hành vi phổ biến trong số các rối loạn hành vi thì mới thực sự được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn hành vi. Ít nhất một trong số các hành vi đó phải xuất hiện trong vòng 6 tháng trở lại đây. Hành vi đó cũng phải ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ xã hội cũng như việc học tập của trẻ tại trường.

5.2. Điều trị.

Chứng rối loạn hành vi cần phải được điều trị. Việc điều trị chứng rối loạn hành vi cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, bác sĩ tâm lý và cả xã hội. Bác sĩ có thể sử dụng các liệu pháp tâm lý, liệu pháp hành vi, uống thuốc,... để điều trị.

Tùy vào nguyên nhân gây ra bệnh mà bác sĩ sẽ có những phương án điều trị bệnh rối loạn hành vi khác nhau. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng các phương pháp trị liệu về hành vi hoặc trị liệu bằng cách trò chuyện để giúp trẻ học được cách bày tỏ và kiểm soát cảm xúc một cách đúng mực. Nhân viên y tế cũng sẽ dạy cho bạn cách kiểm soát các hành vi của trẻ. Sử dụng đúng phương pháp sẽ giúp trẻ nhanh chóng kiểm soát được hành vi của mình.

Trong trường hợp bác sĩ phát hiện trẻ có bệnh rối loạn tâm thần khác, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc để điều trị các bệnh này.

6. Phòng chống bệnh rối loạn hành vi.

Phòng ngừa rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên có hiệu quả tốt nhất được thực hiện bằng biện pháp chủ yếu là loại trừ, hạn chế sự hiện diện và tồn tại của các nhân tố độc hại xảy ra hàng ngày trong môi trường sống ở chung quanh thanh thiếu niên; đặc biệt và quan trọng nhất là môi trường gia đình, rồi đến nhà trường và xã hội.

Muốn thực hiện được các biện pháp này, đòi hỏi phải có sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc đối tượng thanh thiếu niên của tất cả mọi người trong gia đình, trường học và cộng đồng xã hội. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể có liên quan để phát huy tinh thần trách nhiệm giải quyết một vấn đề phổ biến, bức xúc, nhạy cảm, phức tạp và ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội đang phát triển hiện nay./.

BS. Bùi Quốc Việt - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tuyên Quang

bình luận

Tìm kiếm

Địa chỉ: Tổ 9, Phường Tân Hà, Thành Phố Tuyên Quang, Tuyên Quang

 

Điện thoại: 02073.822.441

 

Email: trungtamkiemsoatbenhtattq@gmail.com

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1