Chủ động phòng bệnh sởi

29/08/2024 - 16:30
2
Cỡ chữ:

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, bệnh xuất hiện quanh năm. Đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh Sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

 

Tại Việt Nam, trong thời gian qua việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm bệnh sởi.

Đặc điểm của bệnh sởi

Bệnh sởi có các triệu chứng đặc trưng là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh sởi, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi.

Ảnh minh họa.

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi

Trước tình hình bệnh sởi gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua. Cùng với đó là hiện nay tại tỉnh đang là mùa lễ hội, du lịch, vì vậy dịch bệnh rất dễ lây lan và gây dịch nếu không kịp thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh sởi, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc xin sởi. Người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. Đối với trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần tới tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh khác như sau: Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; Hạn chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng của bệnh sởi.

Nguyễn Tiến

Nguyễn Tiến

bình luận

Tìm kiếm

Địa chỉ: Tổ 9, Phường Tân Hà, Thành Phố Tuyên Quang, Tuyên Quang

 

Điện thoại: 02073.822.441

 

Email: trungtamkiemsoatbenhtattq@gmail.com

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1